Chèo lái đưa đò cặp bến sông
Thầy cô mang nặng trái tim nồng
Trồng người dạy chữ niềm say đắm
Mỗi chuyến đò qua thỏa nỗi lòng
Đó chính là nghề mà ai cũng kính trọng, nghề mà nhiều người theo đuổi, ước mơ. Một người mà tôi muốn nói đến là cô giáo Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên lớp 1A2 trường Tiểu học Đặng Trần Côn. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, cô giáo Nguyễn Thị Phương Anh đã nuôi dưỡng ước mơ được trở thành một cô giáo dạy các em nhỏ. Vì vậy, khi vừa học xong THPT cô thi vào trường Đại học Thủ Đô - Hà Nội hệ Cao đẳng, chuyên ngành Tiểu học để theo đuổi ước mơ của mình. Và ước mơ ngày nào của cô đã trở thành hiện thực.
Là một giáo viên nên cô rất đam mê Công nghệ thông tin, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các em học sinh không thể học tập trực tiếp ở trường thì hình thức dạy học trực tuyến trở thành giải pháp hữu hiệu nhất để duy trì việc dạy học của các nhà trường. Vì vậy cô là người đầu tiên trong khối tôi ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học. Nếu ở bài giảng trên lớp, sự tương tác được phát huy hiệu quả thì học trực tuyến, giáo viên chủ yếu là thực hiện bài giảng một chiều, các em học sinh tiếp nhận kiến thức cô giáo dạy được truyền tải qua máy tính, ipad, điện thoại. Với niềm say mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ cô luôn tìm cách khai thác triệt để các phần mềm dạy học, phát huy tối đa các ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, các bài giảng điện tử của cô luôn mang đến cho học trò nhiều điều thú vị.
Khi Thành phố phát động phong trào ứng dụng CNTT trong giảng dạy, cô giáo Phương Anh nhiệt tình tham gia ứng dụng CNTT thiết kế bài giảng Elearning của nhà trường. Cô tìm tòi, học hỏi đóng góp vào việc xây dựng kho học liệu của nhà trường tham gia thi cấp Quận. Cũng nhờ sự ham học hỏi, luôn tự trau dồi kiến thức nghề nghiệp cộng với niềm đam mê, sự tìm tòi sáng tạo và tấm lòng tất cả vì học sinh thân yêu của mình mà cô đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Hưởng ứng mô hình “Giáo viên của giáo viên” do Phòng Giáo dục và đào tạo quận Thanh Xuân tổ chức, Ban giám hiệu trường Tiểu học Đặng Trần Côn đã khuyến khích, phân công giáo viên trẻ, nhạy bén về công nghệ thông tin giúp đỡ các giáo viên trong tổ chia sẻ những hiểu biết của mình về các phần mềm ứng dụng trong dạy học trực tuyến với các giáo viên trong trường cũng như trong tổ.
Là một giáo viên trẻ, ngoài công việc gia đình, nhà lại xa trường nhưng cô giáo Nguyễn Thị Phương Anh đã luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, không ngừng vươn lên bằng tấm lòng yêu nghề mến trẻ thiết tha. Với đức tính giản dị, ham học hỏi, cô luôn trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, tìm cách giảng dạy hay nhất để truyền đạt cho học sinh, tự học hỏi xây dựng những bài giảng điện tử lôi cuốn học trò vào các bài giảng giúp các em tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn. Cô luôn hoàn thành tốt các công việc nhà trường, cấp trên giao phó, có nhiều sáng tạo trong công tác giảng dạy và công việc của Công đoàn. Dịu dàng như một người mẹ, cô hết mực yêu quý học sinh, những cử chỉ ân cần, cách nhìn âu yếm khiến những học trò nhỏ vừa chuyển từ mẫu giáo lên cảm thấy an tâm và cũng rất yêu cô. Hằng ngày, cô Phương Anh không chỉ dạy các em kiến thức văn hóa mà cô còn rèn các em các kĩ năng cần thiết trong cuộc sống như cách mặc trang phục sao cho phù hợp, cách giữ vệ sinh an toàn trong mùa dịch, cách ứng xử giao tiếp với ông bà, bố mẹ, bạn bè ....
Cô Phương Anh hướng dẫn các học sinh làm thiệp tặng bà và mẹ nhân ngày 8-3
Cô giáo Phương Anh ứng dụng CNTT trong dạy trực tuyến cho HS lớp 1.
Hưởng ứng mô hình “Giáo viên của giáo viên”, cô luôn tích cực chia sẻ, tham gia giúp đỡ đồng nghiệp trong các giờ thi giáo viên dạy giỏi, từ việc hỗ trợ dựng giáo án, thiết kế bằng ứng dụng công nghệ thông tin đến hỗ trợ làm đồ dùng dạy học, ứng dụng phần mềm Azota để hỗ trợ giáo viên thu bài và chấm chữa bài của học sinh trực tuyến.…
Nhờ sự nỗ lực của tập thể giáo viên trường Tiểu học Đặng Trần Côn và những chia sẻ của cô giáo Phương Anh, các tiết Hội giảng giáo viên trong trường đều sử dụng phần mềm, các ứng dụng đã tập huấn.
Với những phẩm chất đáng quý, cô giáo Nguyễn Thị Phương Anh luôn tạo được sự tin tưởng đối với học sinh, phụ huynh và bạn bè đồng nghiệp. Chúc cô mạnh khỏe và tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “Trồng người”. Tuy mới chỉ là những thành công bước đầu trong sự nghiệp trồng người nhưng đó là nền tảng, là động lực để cô phấn đấu, làm tốt hơn sứ mệnh của người Thầy.